kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh

5 quan niệm sai lầm trong dinh dưỡng cho trẻ

Cho bé ăn dặm quá sớm, kết hợp cùng lúc nhiều loại sữa hay thường xuyên chế biến món bé thích là những sai lầm mà các bà mẹ hay mắc phải trong quá trình chăm sóc con.

mon con thich - 5 quan niệm sai lầm trong dinh dưỡng cho trẻ

Để con luôn khỏe mạnh và hay ăn chóng lớn, các bà mẹ hãy tránh những việc sau nhé!

Cho con ăn dặm quá sớm

Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo các bà mẹ cho trẻ bú hoàn toàn trong sáu tháng đầu, sau đó mới cho ăn bổ sung. Tuy nhiên, hiện nhiều gia đình cho trẻ ăn bột từ khi 3-4 tháng tuổi. Dù cho trẻ được bú mẹ hay bú sữa công nghiệp, không nên cho trẻ ăn dặm trước 4-6 tháng tuổi. Mặt khác, phải tôn trọng các nguyên tắc sử dụng sữa ở trẻ ít nhất cho đến 1 tuổi. Bổ sung vitamin D theo đợt.

Thực ra, điều này xuất phát từ quan niệm truyền thống, cho rằng cho trẻ ăn thêm chất bột, chất gạo thì mới cứng cáp. Song thật ra trong bột gạo có chất cản trở sự hấp thu các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ. Vì vậy, nó chẳng những không tăng dinh dưỡng cho bé mà còn gây khó khăn cho việc hấp thụ các chất dinh dưỡng khác.

Cho trẻ uống 2 loại sữa cùng lúc

Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại sữa công thức dành cho trẻ nhỏ. Tùy thể trạng mỗi trẻ mà có thể hợp với sữa này hơn sữa kia. Cũng có trẻ có thể phù hợp với nhiều loại sữa.

Lý do chủ yếu khiến nhiều bà mẹ phối hợp cho con uống từ hai loại sữa trở lên vì muốn “gom” hết các ưu điểm của các loại sữa, hoặc vì sự quân bình tính chất phân của trẻ, hoặc vì kinh tế… Những quan điểm này vẫn có thể ổn nếu bà mẹ chia cữ cho trẻ bú hợp lý (xen kẽ, hoặc sáng – chiều …).

Không pha hai loại sữa chung với nhau cho trẻ uống

Tuy nhiên, tuyệt đối không nên pha 2 loại sữa chung 1 bình hoặc cho trẻ uống cùng lúc 2 loại sữa (pha riêng) vì sự trộn lẫn này sẽ ảnh hưởng đến nồng độ thẩm thấu của sữa làm trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa.

Quá ưu tiên đạm

Nhiều mẹ nấu bột cho bé cứ cho thật nhiều thịt, cá, trứng… vì nghĩ đó là thức ăn bổ dưỡng và tốt cho bé, cho nhiều một chút càng tốt.

Nhưng thực tế, cái gì cũng phải có liều lượng nến vượt quá mức sẽ có tác dụng ngược lại. Lượng đạm quá nhiều dễ làm bé bị rối loạn tiêu hóa và nguy cơ bé mắc chứng biếng ăn gia tăng.

Chế độ ăn dặm không đầy đủ và cân đối

Mặc dù luôn lo sợ trẻ thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển nhưng có bà mẹ lại quan niệm chỉ hầm xương lấy nước ngọt nấu bột, cháo, hoặc chỉ ăn một vài món gọi là bổ dưỡng, hoặc không thêm dầu vào chén bột, cháo vì sợ khó tiêu …

Thật ra, nước hầm từ xương chỉ cho vị ngọt mà không có chất dinh dưỡng. Ngay từ khi tập ăn dặm, bà mẹ cần cho trẻ làm quen với các vị thịt, cá, rau củ bằng cách băm hoặc xay thật nhuyễn. Nhờ vậy trẻ sẽ có cơ hội nếm được nhiều loại hương vị khác nhau.

Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng với tất cả các loại thức ăn, bắt đầu bằng những loại dễ tiêu hóa hơn. Và cần thiết thêm dầu ăn (dầu gấc, dầu mè, dầu ôliu) vào chén thức ăn của trẻ vì đây là chất giàu năng lượng, cung cấp các axit béo cần thiết cho cơ thể, đồng thời còn giúp cơ thể hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu và làm trẻ ăn ngon miệng hơn.

Thường xuyên nấu món con thích

Đây là sai lầm trong dinh dưỡng cho bé phổ biến nhất. Thực tế, không phải món nào mẹ cho là ngon thì bé cũng đồng quan điểm. Trẻ nhỏ cũng biết thưởng thức và có vị giác riêng. Vì vậy, cũng có món bé thích và món bé không thích. Tuy nhiên, không phải cứ con thích món gì là mẹ liên tục tẩm bổ cho bé bằng món đó.

Các bà mẹ cũng cần biết, mỗi khi chuyển tiếp chế độ ăn cho trẻ, những bữa đầu mới tập có thể trẻ sẽ không thích và ăn rất ít, nhưng sau đó trẻ sẽ dần quen. Do đó, mẹ cần hết sức kiên nhẫn với trẻ.

Nguồn: dinhduong

Cùng danh mục

Filed in: Dinh dưỡng, Dinh dưỡng cho trẻ em